Trang chủTin tức và sự kiệnẨm thực Cô TôThưởng thức sá sùng ở đảo Cô Tô

Thưởng thức sá sùng ở đảo Cô Tô

20/03/2016

Sá sùng là một trong những hải sản quý hiếm. Từ thời xưa, chúng được khai thác để làm cống vật cho vua, quan. Chỉ có những người giàu có mới đủ điều kiện sử dụng.

Sá sùng là một đặc sản quý hiếm.

Sá sùng là loài thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Chúng có hình dạng na ná như một con giun khổng lồ đầy màu sắc, trong những hang đá, khe cát ở tận dưới đáy biển sâu từ 10 đến 30 m. Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5 đến 10 cm, cá biệt có con dài đến 15–40 cm, đường kính 20 cm, nặng từ 1 đến 3 kg. Khi bị bắt lên khỏi mặt biển, chúng thu mình lại, tròn như một quả bóng, cái miệng bé như lỗ van bơm hơi.

Sá sùng có hình dạng giống con giun khổng lồ.

Theo Đông y, sá sùng có thể sử dụng như một vị thuốc cường dương, tăng sinh lực. Chúng có thể dùng để chế biến để làm thuốc bằng cách ngâm nước muối, luộc chín, căng ra phơi khô. Muốn ăn lại thì đem luộc lần nữa rồi cắt thành từng miếng nhỏ nấu với thuốc Bắc hoặc bỏ vào bụng gà ác hầm nhừ rồi ăn.

Sá sùng có thể được dùng giống như một vị thuốc quý.

Ngoài ra, sá sùng còn được sử dụng cả lúc còn tươi (nấu canh, xáo) hay khô (rang). Trong món phở truyền thống của Hà Nội và Nam Định, để làm ngọt nước dùng, ngoài ninh xương bò, người ta còn cho thêm sá sùng hoặc tôm nõn.

Sá sùng dùng để làm ngọt nước dùng.

Do đặc tính trên, sá sùng là loài hải sản có giá trị kinh tế rất cao, nhưng do đánh bắt quá mức nên số lượng đã giảm đáng kể. Mùa khai thác thích hợp từ tháng 3 đến tháng 7, ngư dân thường đào sá sùng khi nước biển xuống, đem về chế biến bằng cách phơi khô. Kỹ thuật chế biến cũng khá phức tạp, nếu không sẽ có rất nhiều cát. Vì vậy giá của sá sùng thành phẩm rất đắt: 1 kg sá sùng khô thường có giá trị tương đương 1 chỉ vàng.

Sá sùng là một loại hải sản có giá trị kinh tế cao.

Muốn xem bắt sá sùng, bạn sẽ phải dậy sớm và đi xe ôm hoặc xe lam ra bãi bồi. Nước biển buổi sáng rút ra xa để lộ nền đất pha cát in dấu hàng triệu vết bò ngoằn nghèo của sá sùng. Chẳng ai thấy chúng bò bao giờ, bởi khi bình minh chưa lên, sá sùng đã rúc sâu xuống cát, càng nắng to chúng càng rúc sâu hơn. Trên mặt đất, những người phụ nữ bịt kín mặt rảo bước như chim bồ nông.

Những con sá sùng tươi ngon.

Kỳ lạ là nghề bắt sá sùng không hề nhàn hạ, thu nhập cũng không đến nỗi “hẻo”, nhưng lại chỉ có phụ nữ làm. Họ đi theo những con đường vô định, nhanh như cắt phóng thuổng xuống và hất lên tảng cát lớn. Ở đó văng ra chú sá sùng đỏ hồng ngoe nguẩy, thoạt trông rất giống con giun, có khác là thứ đặc sản biển này… mũm mĩm hơn và lớn hơn giun; loại “trưởng thành” đạt chuẩn, dài từ 7-15cm .

Những con sá sùng mũm mĩm dùng trong nấu phở.

“Mồi” là tên dân địa phương gọi sá sùng, và họ thường trả lại thiên nhiên những chú “mồi” chưa đủ lớn. Từ sáng sớm tới trưa, mỗi người thường bắt được gần 1kg sá sùng, giá “mua tại trận” khoảng 50.000 đồng/kg. Giá này ở Quảng Ninh có lúc lên tới 70-100.000 đồng/kg, nhưng cũng không lên cao hơn được, bởi sá sùng giống như rươi, chỉ tươi ngon sau khi bắt khoảng 2 tiếng đồng hồ, nên việc vận chuyển đi xa là không thể. Sá sùng để nấu phở khi đến tay người tiêu dùng là loại đã được làm khô, trông nâu nâu, xoăn xoăn như vỏ cây.
Đến Cô Tô, ngoài thú thưởng thức sá sùng, bạn cũng sẽ thấy thư giãn với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp nơi đây. Bao trùm lên tất cả trên đảo vẫn là những bãi biển hoang sơ, khi giẫm chân trần trên bờ biển trắng loá, khi thả người trong làn nước biển trong veo, ta sẽ cảm thấy thật may mắn khi được tận hưởng cảnh bình yên giữa thời cuộc ồn ào.

Châu Khoa (Theo vietbao.vn)

Bình luận